Please or Register to create posts and topics.

Kỹ thuật lặt (tuốt) lá mai mà bạn nên biết

Kỹ thuật lặt (tuốt) lá mai để kích nụ nở hoa là một phương pháp truyền thống, gần gũi và đang được các nhà vườn mai áp dụng từ lâu nay. Với bài viết trước, chúng ra đã tìm hiểu Top 5 loại phân thuốc để kích mai ra nụ thì ở bài viết này, chúng ta tìm hiểu rõ hơn một trong những phương pháp để  kích mai đơn giản, dễ làm này. Việc lặt lá mai để cây tập trung dinh dưỡng để nuôi nụ hoa, giúp hoa ra đồng loạt hơn. Bên cạnh đó, lặt lá mai cũng giúp các nhà vườn có thể điều chỉnh được nụ nào nở sớm và nở muộn. 

 

Tuy nhiên, việc lặt (tuốt) lá mai cũng phải chọn thời điểm và tuân theo những phương thức lặt lá cơ bản. Những kỹ thuật đó như thế nào thì hãy cùng yêu mai vàng tìm hiểu rõ hơn dưới đây nhé!

Thời điểm lặt (tuốt) lá mai theo từng vùng miền

Bước vào tháng Chạp là thời điểm thích hợp để các nhà vườn mai tập trung làm nụ cho mai. Tuy nhiên, việc lặt (tuốt) lá mai nên vào thời điểm nào cũng rất quan trọng vì nó quyết định mai bạn sẽ trổ hoa vào đúng dịp Tết Âm Lịch hay không. Một yếu tố sẽ được đề cập ngay sau đây là việc lặt lá mai liệu có đồng đều theo từng vùng miền? Nếu ở Miền Bắc phân chia bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ,Thu Đông, còn Miền Nam có hai mùa chính là: mùa mưa và mùa khô. Và bạn biết đây, Mai vàng là loại cây khá phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, mà mỗi khu vực sẽ có thời tiết khác nhau. Vậy thì việc lựa chọn thời điểm lặt lá đương nhiên phải khác nhau rồi ạ! 

 

- Miền Nam khí hậu tương đối nóng khô nên việc lặt (tuốt) lá mai được các nhà vườn tiến hành muộn hơn, để tránh hiện tượng nụ bung vỏ trấu (vỏ lụa) sớm, sẽ làm hoa nở nhanh hơn, dự kiến vào khoảng 16-17 âm lịch tháng Chạp. Nếu có thêm yếu tố gió nhiều và mạnh thì mọi người sẽ lùi lại ngày lặt vào khoảng 19-20 âm lịch.

 

- Miền Bắc thì khí hậu se se lạnh hơn, điều này sẽ làm nụ trổ hoa chậm hơn, nên sẽ tiến hành lặt lá sớm vào khoảng ngày 12-14 âm lịch.

 

Lưu ý: Mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến sự nở hoa của nụ, mưa nhiều đồng nghĩa với thời tiết lạnh, nên mọi người nên chú ý yếu tố này để chọn thời điểm lặt lá cho phù hợp.

Lặt (tuốt) lá mai theo đặc điểm nụ mai 

Một trong những yếu tố cũng quyết định đến thời điểm lặt (tuốt) lá mai mà mọi người trồng mai không thể bỏ qua đó là quan sát vào đặc điểm từng nụ mai. Việc nụ mai lớn nhỏ không quyết định nụ đó nở sớm hay nở muộn, vì có nhiều nụ mai lớn nhỏ là tùy vào đặc tính mỗi cây. Điều mà bạn cần quan sát đầu tiên là màu sắc nụ và lớp vỏ trấu (vỏ lụa), cụ thể là:

 

- Những nụ hoa mà có lớp vỏ trấu ngậm chặt lại và nụ sẽ có màu sẫm (tối hơn) thì những nụ đó sẽ  nở chậm, nên thời gian lặt lá mai sẽ sớm hơn, thường vào khoảng ngày 12-13 tháng Chạp.

 

- Nếu nụ hoa đã có hiện tượng nứt vỏ trấu ra hoặc có thể nhìn bằng mắt thường là có hai màu rõ rệt, là cây mai có nụ sắp nở hoa. Nên nên lùi lại ngày hái lá lại, vào khoảng ngày 18-19 tháng Chạp. Tính từ thời gian bắt đầu bung vỏ trấu đến nở hoa thì vào khoảng 7-8 ngày, nên qua đó các nhà vườn sẽ tự canh chỉnh lại thời gian lặt lá phù hợp.

 

- Một trường hợp đáng kể đến là nụ hoa có màu xanh hoàn toàn, không có bọc bởi lớp vỏ trấu, thường những nụ đó sẽ nở rất sớm, nên để điều chỉnh hoa nở, mọi người  nên để lại lá ở nhánh đó, đến khi chuẩn bị cho nụ bung hoa đồng loạt thì sẽ tiến hành lặt những lá đó.

=== >> Các bạn có thể xem thêm: Những kỹ thuật chăm sóc mai vàng con nhanh lớn 

Kỹ thuật lặt lá mai đúng cách không phải ai cũng biết

Trước khi tiến hành lặt lá mai, các nhà vườn sẽ siết lại nước trước khoảng 3-4 ngày, nhằm mục đích làm cây bị sốc nước, tạm ngưng quá trình điều hòa dinh dưỡng trong cây và sau khi lặt (tuốt) lá xong, sẽ bắt đầu tưới lại nước cho cây, như vậy sẽ giúp cây tập trung dinh dưỡng để nuôi nụ hơn.

 

* Lặt lá mai không đúng cách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nụ mai, cụ thể là việc bạn nắm và tuốt mạnh theo chiều xuôi của lá mai không những làm lá mai không được tuốt hết trên cành, mà còn làm lá bị đứt ra và vô tình là hư hoặc rụng những nụ trên cành đó. 

 

* Thế nào là lặt lá mai đúng cách?

 

Các nụ mai thường nằm ở nách lá, trong trường hợp cành đang có nhiều nụ, bạn nên tốn thêm thời gian để lặt từng lá mai và cách lặt lá cũng hết sức cẩn thận là lặt theo chiều ngược lại với lá. Đối với những cành có nụ hoa ít, bạn có thể dùng một tay (tay trái) nắm một đầu cành mai, và một tay kia (tay phải) tuốt một các nhẹ nhàng và từ từ theo chiều ngược với lá. Như vậy, vừa quan sát được nụ để tránh là  tổn thương nụ mà còn tuốt được một cách nhanh chóng.

 

Lưu ý: Không bắt buộc đến một thời điểm nhất định bạn sẽ lặt lá mai đồng loạt trên cả cây, việc này bạn có thể quyết định xem nên lặt nhánh nào trước, nhánh nào sau tùy thuộc vào trạng thái nụ mai, miễn sao mai nhà mình được đảm bảo trổ hoa đồng loạt.

 

Như vậy, việc lá (tuốt) mai là rất cần thiết và cẩn thận trong khâu chăm sóc cho mai nở và việc đòi hỏi việc tốn khá nhiều thời gian đối với các nhà vườn. Đối với các nhà vườn có diện tích mai lớn, mọi người thường hay thuê thêm dân công để việc lặt lá mai được đảm bảo kịp thời hơn.

 

Cách lặt lá mai tuy đơn giản nhưng mà phức tạp hơn chúng ta nghĩ, nhưng với Kỹ thuật lặt ( tuốt) lá mai trên, có thể đơn giản hóa việc lặt lá mai hơn.Giúp người trồng mai có thể dễ dàng thực hiện được và lựa chọn thời điểm lặt lá mai đúng với đặt tính cây nhà mình cũng như thời tiết ở khu vực mình.